Đấu trường La Mã - Colosseum - Rome - Ý
Số 1 Piazza del Colosseo, Rome, Ý, 00184

Nằm ngay rìa phía tây của Quảng trường La Mã, tòa hí trường bằng đá khổng lồ mang tên Colosseum được xây dựng trong khoảng năm 70-72 sau Công Nguyên bởi Hoàng đế Vespasian của triều đại Flavian như một món quà dành cho nhân dân thành Rome. Đến năm 80 sau Công Nguyên, Titus Đại đế - con trai của Vespasian cho khánh thành Colosseum, thời đó có tên gọi gốc là Hí trường Flavian với một lễ hội trăm ngày bao gồm các trận đấu võ và các trận tỉ thí với thú dữ.
Đấu trường La Mã được thiết kế vô cùng thực dụng, gồm có 80 cổng vòm giúp cho 55,000 khán giả - được phân chỗ ngồi theo giai cấp, có thể dễ dàng ra vào đấu trường. Đấu trường là một quần thể hùng vĩ hình elip dài 188 m và rộng 156 m. Lúc mới hoàn thành, đã từng có 240 cột cờ được đựng trên các cột đá ở tầng thứ 4 của đấu trường.
Sau 4 thế kỷ được sử dụng, đấu trường La Mã đã dần bị lãng quên khi Đế chế La Mã Cổ đại phía Tây suy yếu và người dân cũng không còn hứng thú với các trận đấu võ cũng như các hoạt động giải trí công cộng. Tới thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên, đấu trường đã hứng chịu nhiều tổn thất sau các thảm họa thiên nhiên như sét đánh hay động đất. Trong các thế kỷ tiếp đó, đấu trường La Mã đã bị lãng quên hoàn toàn và trở thành nơi khai thác nguyên vật liệu cho nhiều công trình xây dựng khác, trong đó bao gồm Vương cung Thánh đường Thánh Peter và Thánh John, quảng trường Venezia và các pháo đài quân sự dọc sông Tiber. Đầu thế kỷ 18, nhiều Giáo hoàng đã cải biến đấu trường thành một di tích Công giáo linh thiêng vì nhiều vị tử đạo Công giáo được cho rằng đã bị hành quyết tại đây.
Tới thế kỷ 20, thiên tai, thời tiết và nạn trộm cắp đã phá hủy gần như hai phần ba kiến trúc nguyên bản của đấu trường, bao gồm các chỗ ngồi bằng đá hoa cương và họa tiết trang trí. Các nỗ lực trùng tu bắt đầu từ những năm 1990 và đã kéo dài trong nhiều năm. Mặc dù đã bị tàn phá nghiêm trọng, nhưng ngày nay đấu trường La Mã vẫn là một điểm đến du lịch nổi tiếng và được coi là biểu tượng của thành Rome.